
Cẩm nang an toàn giao thông đường bộ
Thư viện THPT Nguyễn Đình Chiểu – Mỹ Tho
Giới thiệu sách: Tháng 2/2025
An toàn giao thông là trách nhiệm chung của toàn xã hội, không riêng đối với cơ quan hay lực lượng thực thi nhiệm vụ. Người tham gia giao thông phải nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác.
Chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bảo đảm các điều kiện an toàn của phương tiện tham gia giao thông. Mọi hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường bộ phải được xử lí nghiêm, kịp thời và đúng pháp luật.
Nhằm hỗ trợ bạn đọc cập nhật thêm kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn, Thư viện trân trọng giới thiệu quyển sách “Cẩm nang an toàn giao thông đường bộ” do TS. Trương Thành Trung biên soạn, được Nhà xuất bản Giao thông Vận tải ấn hành, gồm năm chủ đề với độ dày 335 trang.

Một số hành vi nguy hiểm cần phòng tránh khi tham gia giao thông là chủ đề một, bạn đọc sẽ được giới thiệu một số hành vi gây nguy hiểm cho bản thân và mọi người xung quanh như: Không đội mũ hoặc đội mũ bảo hiểm cài quai không đúng cách sẽ bị xử phạt, cần lưu ý nếu mũ không đạt chuẩn theo quy định khi xảy ra tai nạn rất nguy hiểm đến tính mạng; nghiêm cấm người tham gia giao thông mà trong máu, hơi thở có nồng độ cồn; chạy quá tốc độ quy định; sử dụng thiết bị di động khi lái xe; sử dụng ô dù trong khi đang lái xe mô tô và gắn máy; xe mô tô và gắn máy chở hàng cồng kền và chở quá số người quy định; sử dụng phương tiện cũ nát; đi xe đạp dàn hàng ngang, sử dụng ô dù; người đi bộ sang ngang đường tùy tiện; tuốt, phơi rơm, lúa trên đường; thả rông gia súc, chăn thả gia cầm trên đường; đốt rơm rạ gây mất an toàn giao thông; bán hàng, họp chợ trên đường, cầu; vật liệu xây dựng lấn chiếm lòng đường; vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt; không quan sát an toàn khi đi qua đường sắt; vượt rào chắn đường sắt; người qua đò không mặc áo phao, cầm dụng cụ nổi.
Một số kỹ năng và kinh nghiệm khi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy là chủ đề hai; quá trình tìm hiểu cũng đồng nghĩa với việc bạn đọc trang bị kiến thức điều khiển xe an toàn hơn, như: kiểm tra xe trước khi khởi hành (bánh xe, đèn, còi, thắng, gương chiếu hậu,…); tư thế ngồi lái xe; xuất phát và dừng xe; kỹ thuật thắng xe; đi từ đường nhánh ra đường chính an toàn; chuyển hưởng an toàn tại nơi đường giao nhau; kỹ thuật vượt xe; kỹ thuật lái xe lên dốc, xuống dốc an toàn; kinh nghiệm lái xe ban đêm an toàn; cách cầm lái an toàn khi gặp mưa, bão, gió lớn; các kỹ năng khác (tỉnh táo nhận biết các dấu hiệu, vượt xe khác khi cần thiết, quan sát rộng, tốc độ phù hợp, đi đúng cấp số, quan sát bánh xe ô tô trong tầm mắt, di chuyển theo nhóm, vào cua đúng cách, sử dụng phanh đúng cách).
Một số yếu tố ảnh hưởng đến tai nạn giao thông là chủ đề ba sẽ đề cập đến những mối nguy hiểm xuất phát từ người lái xe như: kỹ năng lái xe, ảnh hưởng từ cơ thể người lái xe. Nguy hiểm từ điều kiện hạ tầng và môi trường như: do chất lượng đường sá (ổ gà, chướng ngại vật, ngập nước, cua vòng khuất tầm nhìn, đường hẹp,…); nguy hiểm từ môi trường tự nhiên (trời mưa, gió lớn, sấm sét, sương mù, ánh sáng mạnh,…). Nguy hiểm từ phương tiện giao thông như: người đi bộ, súc vật, các loại xe khác,…
Thực hành cấp cứu khi xảy ra tai nạn giao thông đường bộ là chủ đề bốn được thể hiện qua các yếu tố thực hành các bước sơ cứu ban đầu khi gặp tai nạn giao thông đường bộ nghiêm trọng đến tính mạng như: đặt người bị thương xuống để có thể thở dễ hơn, giúp người bị thương hô hấp, hồi sinh tim phổi, cầm máu trực tiếp hoặc không trực tiếp, cầm máu bằng garo; nhờ sự hỗ trợ của người lái xe ô tô đi ngang qua nơi xảy ra tai nạn giao thông.
Pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ mà người tham gia giao thông cần biết là chủ đề năm sẽ giới thiệu đến bạn đọc Luật Giao thông đường bộ, một số văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giao thông đường bộ, quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ, hệ thống biển báo hiệu đường bộ và những quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Quyển sách “Cẩm nang an toàn giao thông đường bộ” là tài liệu rất hữu ích đối với các cơ quan và lực lượng thực thi nhiệm vụ giao thông đường bộ, cũng như các đối tượng khác khi tham gia giao thông ở Việt Nam cần phải tìm hiểu.
Điều khiển phương tiện khi tham giao thông đường bộ an toàn là trách nhiệm của toàn xã hội, vì vậy quyển sách này hy vọng sẽ giúp bạn đọc trang bị kiến thức và kỹ năng vào thực tế để bảo vệ tính mạng và tài sản chung, góp phần giữ gìn an ninh trật tự xã hội.
Trương Thị Ngọc Hoa (sưu tầm)
Nguồn: https://portal.vinhlong.gov.vn/portal/wpthuvientinh/thuvientinh/page/xemtin.cpx?item=627a1c8be324da531848a984