
Giao thừa
Thư viện THPT Nguyễn Đình Chiểu – Mỹ Tho
Giới thiệu sách: Tháng 1/2025

Nguyễn Ngọc Tư là một trong những cái tên rất thân quen với bạn đọc hiện nay, những tác phẩm tiêu biểu của nhà văn như: Cánh đồng bất tận, Ngọn đèn không tắt, Gáy người thì lạnh, Đong tấm lòng, Đảo,… luôn làm thổn thức, in sâu vào trái tim người đọc.
Và “Giao thừa” được Nxb Trẻ ấn hành là một trong những tác phẩm nổi bật của Nguyễn Ngọc Tư. Tác phẩm gieo vào lòng người những cảm xúc khó quên, khiến trái tim người đọc rung lên từng nhịp, trào dâng trong lòng một niềm thương người mà cũng là thương chính mình trước những mảnh đời éo le, số phận nghiệt ngã; từ đó, giúp chúng ta suy ngẫm về tình đời, tình người trước những bộn bề của cuộc sống.
Dù trải qua lớp bụi của thời gian nhưng tác phẩm vẫn được bạn đọc yêu mến, bởi giọng văn nhẹ nhàng, chân phương, đậm chất Nam bộ, thấm đẫm tình người. Nguyễn Ngọc Tư khiến bạn đọc đắm mình, thổn thức trong từng câu chuyện, đọc truyện người mà cứ ngỡ như chuyện mình, giúp người đọc đồng cảm trước những mảnh đời đầy bất hạnh, để rồi tự vấn thêm sẽ trân quý cuộc sống, yêu bản thân mình hơn và đón nhận mọi thứ tích cực hơn.
Xuyên suốt tác phẩm, tác giả vẽ lên trong tâm trí người đọc 17 mảnh đời với số phận, hoàn cảnh khác nhau. Mảnh đời nào cũng xót xa, cũng làm trĩu nặng lòng người. Họ là những người nông dân nghèo chất phác miền sông nước, rày đây mai đó, khi thì trên sông nước, khi thì giữa chợ đời…. nhưng sâu thẳm trong trái tim những số phận ấy vẫn khao khát được yêu thương khao khát được hạnh phúc và ngọn lửa niềm tin vẫn luôn cháy lên trong họ.
Như truyện “Nhớ sông” xoay quanh mảnh đời bất hạnh của ba cha con ông Chín, Giang và Thủy, sống lênh đênh trên sông nước, những niềm vui chưa kịp lóe lên đã vụt tan biến vì người vợ bất ngờ mất trong một tai nạn trên sông nước. Nỗi buồn chưa nguôi, sự ám ảnh vẫn còn đó nhưng ba cha con vẫn phải tiếp tục cuộc hành trình của đời người, và sự mong mỏi tìm một mảnh đất an cư là cả một khát vọng.
Hay ước mơ được yêu của ông già Chín nghèo bán vé số, có mối tình thầm lặng dành cho cô đào Hồng, chưa một lần được đáp trả suốt 46 năm đằng đẵng, cho đến tận cuối đời trong “Cuối mùa nhan sắc”.
Đặc biệt, trong “Đời như ý” hiện lên mảnh đời người cha tên Đời mù lòa, có người vợ bị tâm thần, hai đứa con gái Như và Ý. Chú Đời chỉ khát khao mong có cuộc sống yên ổn, hạnh phúc bên vợ con; thế nhưng dòng đời đưa đẩy, gánh nặng cơm áo gạo tiền, phải đem đứa con út cho người ta nuôi. Đến chết muốn gặp cũng không được “vì nó đã bỏ đi bụi đời…”. Đặt tên truyện là “Đời như ý” nhưng kết truyện lại bằng câu “làm gì có chuyện đời như ý” khiến người đọc không khỏi ngậm ngùi, xót xa.
Và ở đó còn có những mảnh đời bán dưa cơ hồ không biết Tết là gì. Tết của người ta là hoa mai, hoa đào là bánh chưng, bánh tét còn Tết của cô Tư thì đầy dưa hấu “những trái dưa hấu bóng mẩy thẫm xanh chất tầng tầng trên chợ”. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào họ vẫn mong muốn nắm tay nhau trao hơi ấm trong thời khắc giao thừa khoảnh khắc đẹp nhất trong năm như chuyện tình của Đậm và Quý… trong “Giao thừa”.
Thông qua những câu chuyện trong “Giao Thừa” tác giả muốn truyền tải đến chúng ta thông điệp: trong cuộc sống, có bắt đầu sẽ có kết thúc, có kết thúc sẽ có bắt đầu. Nên dù cuộc sống có khó khăn, đau khổ thì chúng ta hãy đón nhận tất cả mọi thứ thật tích cực và hãy là chính mình rực sáng, lung linh như pháo hoa trong thời khắc giao thừa. “Có những sự xuất hiện, giống như pháo hoa được bắn lên trong màn trời đen tối. Tuy rằng chỉ trong khoảnh khắc, nhưng lại thắp lên ánh sáng trong đời này…”
Trân trọng giới thiệu cùng quý bạn đọc./.
Trương Thị Ngọc Hoa (sưu tầm)
Nguồn: https://portal.vinhlong.gov.vn/portal/wpthuvientinh/thuvientinh/page/xemtin.cpx?item=63ca0cb0e324da48c1b3a84cNgọc Diệp