
Hạnh phúc hơn Happier
Thư viện THPT Nguyễn Đình Chiểu
Giới thiệu sách: Tháng 5/2023
Hạnh phúc là một mưu cầu chính đáng mà bất cứ ai trong chúng ta đều có quyền mơ ước trong đời, nhưng vấn đề là hoàn cảnh sống và cách cảm nhận của mỗi cá nhân như thế nào. Nếu bạn là người sống với hy vọng có hạnh phúc trong tương lai, đương nhiên bạn sẽ không tìm thấy đều đó ở hiện tại; nếu bạn là người tìm niềm vui trong cuộc sống vật chất xa hoa hàng ngày, không đồng nghĩa nó sẽ gắn bó lâu dài với bạn.
Nếu thực tại bạn đang hưởng thụ một cuộc sống tốt đẹp, liệu bạn có nghĩ rằng mình trở nên hạnh phúc hơn không? Để lý giải cho vấn đề vừa nêu, mời bạn đọc tìm hiểu quyển sách “Hạnh phúc hơn – Happier” của TS. Tal Ben-Shahar biên soạn, do TS. Dương Ngọc Dũng dịch, được Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành năm 2009.
Đây là tác phẩm tâm lý học, có độ dày 206 trang, gồm ba phần, được luận giải bởi chuyên gia hàng đầu của Đại học Harvard; một thông điệp nhân văn mà Thư viện muốn gửi đến quý độc giả nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3).
Hạnh phúc là một phạm trù được nhiều chuyên gia hàng đầu trên thế giới nhận định khác nhau, như: Bertrand Russell cho rằng “hạnh phúc là sự mãn nguyện thật sự, là sự kết hợp mọi khả năng của con người và là sự nhận biết rõ ràng nhất về thế giới xung quanh”; đối với Đại La Lạt Ma “tôi tin rằng mục đích tối hậu của cuộc sống là tìm kiếm hạnh phúc. Đó là một chân lý vững chắc”; còn David Leonhard “tìm kiếm hạnh phúc là tìm kiếm bản thân mình. Bạn không đi tìm hạnh phúc. Bạn phải tạo ra hạnh phúc. Bạn lựa chọn hạnh phúc”.
Vậy, hạnh phúc là gì? Câu hỏi này cũng chính là chủ đề của phần một sẽ đề cập đến “định nghĩa hạnh phúc”, theo quan niệm tác giả là “bạn có thể cảm thấy hạnh phúc hơn trong mọi hoàn cảnh nếu nhìn nhận đúng về bản chất của hạnh phúc và quan trọng hơn là biết ứng dụng một vài tư tưởng nào đó vào cuộc sống”. Vấn đề thứ hai nên “hòa hợp hiện tại và tương lai”; đôi khi chúng ta phải từ bỏ cái lợi hiện tại để có được cái lợi trong tương lai tốt đẹp hơn, vì trong cuộc sống có những việc chúng ta không thể tránh khỏi. Vấn đề thứ ba là “diễn giải hạnh phúc”, theo quan điểm của Aristotle “hạnh phúc là ý nghĩa và mục tiêu của cuộc sống, là toàn bộ cùng đích của cuộc đời con người”; hãy nhớ cuộc sống không hề đơn giản với bất cứ ai và niềm vui không phải tự nhiên mà có, tất cả được tạo dựng từ những trải nghiệm góp cho cuộc đời thêm ý nghĩa. Vấn đề thứ tư là “cùng đích”; đối với con người thì tiền tài, danh vọng hay quyền lực tất cả không phải cùng đích, mà giá trị thật chính là tìm thấy và cảm thụ hạnh phúc đúng nghĩa. Vấn đề cuối cùng là “thiết lập mục tiêu” để hướng đến sự thành công và hạnh phúc trong cuộc sống.
Tiếp sang phần hai là hạnh phúc ứng dụng, xoay quanh ba vấn đề trọng tâm; trong đó, “Hạnh phúc trong lĩnh vực giáo dục” là vấn đề thứ nhất, mà ở đây tác giả vận dụng quan điểm của Mark Van Doren “giáo dục là cơ hội tốt nhất để chúng ta có được hạnh phúc”, bởi mục đích cao nhất của giáo dục là khuyến khích học sinh theo đuổi hạnh phúc, tập trung vào những hoạt động hướng đến cùng đích, và đó cũng chính là mục tiêu sống sẽ theo đuổi các em trong suốt cuộc đời.
Emerson đã nhận định rằng “tùy vào những cách suy nghĩ khác nhau, cuộc sống trần tục này có thể là thiên đường hay địa ngục”; đối với Shakespeare “không có gì hoặc là tốt hoặc là xấu, chỉ có suy nghĩ là làm được điều đó”. Thật vậy, hạnh phúc không chỉ phụ thuộc vào điều chúng ta làm hoặc vị trí chúng ta ở đâu mà phụ thuộc vào cái chúng ta chọn để cảm nhận, đừng để những nhân tố bên ngoài ảnh hưởng đến suy nghĩ của ta; đây chính là thông điệp của vấn đề thứ hai “Hạnh phúc trong môi trường làm việc”. Tiếp sang vấn đề thứ ba “Hạnh phúc trong các mối quan hệ”, một triết lý sống cho và nhận hay nói rõ hơn là chia sẻ với những người thân hoặc bạn bè xung quanh để tạo niềm vui và mang lại nhiều ý nghĩa tích cực trong cuộc sống; theo Lord Byron “ai có niềm vui thì phải chia sẻ với người khác; bản chất hạnh phúc là phải chia sẻ”.
Những suy ngẫm về hạnh phúc là chủ đề phần cuối của quyển sách, với suy ngẫm đầu tiên là “Tính tư lợi và lòng nhân từ”, chuyên gia Harold Whitman cho rằng “đừng tự hỏi thế gian cần gì, hãy hỏi bạn làm được gì cho thế gian. Và hãy đi và làm điều đó, vì điều thế gian cần là điều mọi người cần”. Qua đó chúng ta có thể cảm nhận rằng, hạnh phúc là sự tổng hợp, là tất cả các yếu tố cần thiết hòa hợp với nhau; hạnh phúc không phải bắt đầu từ sự hy sinh hay sự thỏa hiệp giữa lợi ích hiện tại và tương lai, giữa ý nghĩa và niềm vui, giữa giúp người và giúp mình.
Những suy ngẫm tiếp theo sẽ đề cập đến sự lan tỏa của hạnh phúc để khơi nguồn, tạo động lực trong cuộc sống; đồng thời, chúng ta cần cân nhắc quan niệm so sánh về chiều cao hay chiều sâu hạnh phúc hoặc sự tưởng tượng hạnh phúc, bởi chúng phụ thuộc vào bản thân và nằm trong tư tưởng mỗi người. Vấn đề quan trọng là cần quan tâm đến thời gian, vì yếu tố này ảnh hưởng rất lớn đến hạnh phúc của chúng ta, cho nên cần phải đơn giản cuộc sống để bảo vệ thời gian và kết hợp với tư duy khoa học nhằm đạt tới sự nhận thức cao hơn về hạnh phúc.
Hạnh phúc là mục tiêu sống của mỗi người, nó có thể được tiếp cận từ nhiều góc độ và sự tác động của hoàn cảnh sống, nhưng chân lý chung vẫn là một cuộc sống mang lại nhiều ý nghĩa với bao đều tốt đẹp.
Khi tìm hiểu nội dung quyển sách này, các bạn sẽ có cái nhìn mới mẻ hơn về mọi khía cạnh cuộc đời mình đồng thời tìm thấy ý nghĩa và mục tiêu đích thực của cuộc sống thông qua sự kết hợp giữa các nghiên cứu khoa học và những lời khuyên có giá trị tích cực mà Thư viện muốn gửi đến các bạn.
Trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc!
Sưu tầm
Nguồn:https://thuvientinh.vinhlong.gov.vn/portal/wpthuvientinh/thuvientinh/page/xemtin.cpx?item=6419250f6e97bbc28822075a