
MỘT SỐ NGỮ LIỆU ÔN TẬP GIỮA KỲ I MÔN NGỮ VĂN 10 (THỂ LOẠI SỬ THI)
NGỮ LIỆU 1
CHIẾN THẮNG MTAO GRU
(Trích “Đăm Săn”)
Họ đến giếng làng, rồi đến bờ rào làng Mtao Grư. Trước mặt họ là một bờ rào tre một lớp hai lớp. Một bờ rào lồ ô một hàng hai hàng. Cổng làng trồng hai hàng cột lớn. Họ áp sát bờ rào làng, ẩy cổng làng. Từ trong làng vọng ra tiếng ching khơk và hliang, nghe ì à, ì ọp như tiếng ếch kêu dưới nước. Rõ ràng đây là một tay tù trưởng giàu mạnh. Một tù trưởng giàu mạnh đầu bịt khăn nhiễu, vai nải hoa thật.
ĐĂM SĂN: Ơ diêng! Ơ diêng! Mở cổng! Trời nắng to mặt ta đang bị chói nắng đây này.
MTAO GRƯ: Ơ các con! ở các con! Ra xem có chuyện gì ngoài ấy? Tiếng gì như tiếng gà cục tác, tiếng trẻ nhà ai đang khóc, hay tiếng đe chí chát của gã thợ rèn ở ngoài kia? Ra xem, nếu thấy người nhát thì hẵng mở cổng. Nếu thấy người dữ thì chôn cổng lại cho chắc. Nện cổng lại cho thật chặt, nghe!
ĐĂM SĂN: Ơ Y Suh, ơ Y Sah, hãy lấy những chiếc búa ăn rừng bén nhất san bằng cái bờ rào này đi nào. Hãy chặt ở dưới, bổ ở trên, phá tan cái rào, cái cổng làng này đi nào. Người của Đăm Săn đông như bầy catong, đặc như bầy thiêu thân, ùn ùn như kiến như mối. Họ đến bãi ngoài làng, tiến sát bờ rào làng.
ĐĂM SĂN: Ơ diêng, ơ diêng xuống đây! Chúng ta đấu nhau chơi.
MTAO GRƯ: Ơ diêng, ơ diêng! Mời diêng lên nhà, ta muốn làm lễ cầu phúc cho diêng một trâu.
ĐĂM SĂN: Diêng còn muốn cúng trâu cầu phúc cho ta à? Há chẳng phải vợ ta diêng đã cướp, đùi ta diêng đã chặt, ruột gan ta riêng đã moi ra rồi sao? (nói với tôi tớ) Ơ các con! Bớ các con! Lấy cái sàn sân nhà này đem bổ đôi ra cho ta. Lấy cái cầu thang nhà này đem chẻ ra kéo lửa, hun cái nhà này cho ta xem nào.
MTAO GRƯ: Ấy khoan! diêng! Khoan! Để ta xuống. Không được đâm ta khi ta đang xuống đó nghe.
ĐĂM SĂN: Sao lại đâm diêng khi diêng đang xuống? Diêng xem, cả con lợn của diêng ở trong chuồng, nào ta có thèm đâm đâu.
MTAO GRƯ: Ơ diêng, ơ diêng! Không được đâm ta khi ta đang đi đó nghe.
ĐĂM SĂN: Sao ta lại đâm diêng khi diêng đang đi? Diêng xem, cả con trâu của diêng ở trong chuồng, nào ta có thèm đâm đầu.
Thế là Mtao Grư phải xuống.
ĐĂM SĂN: Ơ diêng! Khiên đạo của diêng là khiên đao gì vậy?
MTAO GRƯ: Khiên thần, đạo thần. Khiên đạo dính đầy những oan hồn, khiên đao chỉ nhằm đùi bọn tù trưởng nhà giàu. Ơ diêng, còn khiên đạo của diêng là gì vậy?
ĐĂM SĂN: Khiên đao kêu lạch xạch, khiên đao bị mọt ăn, không biết còn vững nay không còn vững. Ơ diêng người hãy múa trước đi.
Mtao Grư rung khiên múa. Hắn múa kêu lạch xạch như quả mướp khô.
ĐĂM SĂN: Diêng múa một mình, diêng múa chơi đó phải không diêng?
MTAO GRƯ: Bớ diêng, đến lượt diêng múa đi.
Đăm Săn rung khiên múa. Chàng múa dưới thấp, vang lên tiếng đĩa khiên đồng. Chàng múa trên cao, vang lên tiếng đĩa khiên kênh. Chàng múa chạy nước kiệu, ba lớp núi liền rạn nứt, ba đổi tranh liền bật rễ tung bay. Chàng chạy vun vút một mình không ai theo kịp. Còn Mtao Grư bước thấp bước cao, chạy trốn mũi giáo thần, mũi giáo dính đẫy những oan hồn của Đăm Săn. Hắn nhằm đòi Đăm Săn phóng cây giáo của hắn tới, nhưng chỉ trúng một con lợn thiến.
ĐĂM SĂN: Sao diêng lại đâm con lợn thiến? Còn đùi ta diêng dành làm gì? Đây, diêng hãy xem ta. Cây giáo thần, cây giáo dính đầy oan hồn của Đăm Săn nhằm đùi kẻ thù phóng tới, đâm vừa trúng đích.
ĐĂM SĂN: Đùi diêng sao lại đỏ thế kia, ơ diêng?
MTAO GRƯ: Cái viền chăn của vợ hai chúng ta ở nhà đó.
Mtao Grư khập khiễng như gà gẫy cánh, lảo đảo như gà gẫy chân, vừa chạy vừa kêu oái oái ở bãi tây. Hắn tránh quanh chuồng lợn, Đăm Săn phá tan chuồng lợn. Hắn tránh quanh vườn cam, Đăm Săn phá nát vườn cam. Ba lần hắn chạy trốn về phía đông, ba lần hắn chạy trốn về phía tây, vướng hết thừng trâu đến chão voi. Cuối cùng không chạy được nữa, hắn ngã lăn quay ra đất. Đăm Săn nhảy tới giẫm lên chém đùi hắn.
MTAO GRƯ: Khoan, diêng. Hãy khoan, diêng! Để ta làm lễ cầu phúc cho diêng một trâu.
ĐĂM SĂN: Sao lại khoan? Chân ngươi đã đứt, đùi ngươi đã gãy. Máu ngươi đã chảy lênh láng khắp xóm làng. Đầu ngươi ta sẽ vứt trong rừng tranh. Hàm người ta sẽ bêu ngoài sân cỏ, cho kiến đen kiến đỏ chúng bầu. Người to gan lớn mật. Dám coi mình cao hơn cả non xanh. Vợ ta ngươi cướp, đùi ta ngươi chém, ruột gan ta ngươi moi. Khắp người Ê-đê trên cao, người Bih, người Mnông dưới thấp, khắp tây đông không có một ai như ngươi cả. (nói với tôi tớ) Ơ các con, ơ các con. Cái đầu hắn các con đem bêu ngoài cổng làng. Cái hàm hắn các con đem móc ngoài bãi cỏ, cho kiến đen kiến đỏ chúng bầu. (nói với dân làng Mtao Grư) Hỡi nghìn chim sẻ, hỡi vạn chim ngói. Hỡi tất cả tôi tớ có ở đây, các người có đi với ta không?
(Nguyễn Hữu Thấu sưu tầm, biên dịch, chỉnh lí, Sử thi Ê-đê, Khan Đăm Săn và Khan Đăm Kteh Milan, tập II, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003)
Chú thích:
Đăm Săn (hay còn gọi là Bài ca chàng Đăm Săn) là pho sử thi nổi tiếng của người Ê-đề. Sử thi Đăm Săn thường được diễn xướng theo lối kể khan, trong đó già làng vừa kể, hát, vừa sử dụng nét mặt, điệu bộ để diễn tả câu chuyện bên bếp lửa nhiều đêm liền, trong các nhà dài, trên chòi rẫy, vào dịp lễ hội hay lúc nông nhàn. Nghe kể khan Đăm Săn là một truyền thống văn hoá của người Ê-đê. Sau khi đã chiến thắng Mtao Grự, Đăm Săn trở nên một tù trưởng giàu mạnh, danh vang đến thần, tiếng lừng khắp núi. Sau những ngày ăn mừng chiến thắng, Đăm Săn đã kêu gọi cả dân làng trồng giống lúa mới và bắt đầu tìm kiếm muông thú, hải sản để phát triển cuộc sống.
Tóm tắt đoạn trích: Chiến thắng Mtao Grư thuộc phần giữa của tác phẩm: Sau khi kết duyên cùng hai chị em tù trưởng là Hơ Nhị và Hơ Bhi, Đăm Săn trở thành tù trưởng giàu có, nổi tiếng. Các thủ lĩnh (Mtao Grư và Mtao Mxay) đã lừa khi Đăm Săn cùng nô lệ lên nương, xuống sông lao động sản xuất, kéo người đến cướp phá buôn làng và bắt Hơ Nhị đi làm thuê, làm vợ. Cả hai lần Đăm Săn đều đánh trả và chiến thắng, vừa cứu được vợ, vừa sát nhập được đất đai, của cải của giặc, làm cho danh tiếng của chàng ngày càng nổi tiếng, bộ tộc ngày càng giàu có, đông đúc… Sau đó Đăm Săn cùng những người nô lệ sau chiến thắng trở về và ăn mừng, ăn mừng xa hoa.
Lựa chọn đáp án đúng:
Câu 1. Không gian sử thi được thể hiện trong đoạn trích qua chi tiết:
A. Ngôi nhà khang trang của Mtao Gru
B. Cộng đồng dân cư đông đảo của Đăm Săn và Mtao Gru
C. Sự bản lĩnh của Đăm Săn
D. Sự thách thức của Mtao Gru
Câu 2. Hành động đầu tiên của Mtao Gru khi Đăm Săn đến nhà là gì?
A. Sai người nện cổng lại cho thật chặt
B. Khiêu chiến cùng với Đăm Săn
C. Cầu phúc cho Đăm Săn một trâu
D. Lập tức mang khiên và giáo để đâm Đăm Săn
Câu 3. Đáp lại lời cầu phúc cho Đăm Săn một trâu của Mtao Gru, Đăm Săn đã nói gì?
A. Sao diêng lại đâm con lợn thiến? Còn đùi ta diêng dành làm gì? Đây, diêng hãy xem ta. Cây giáo thần, cây giáo dính đầy oan hồn của Đăm Săn nhằm đùi kẻ thù phóng tới, đâm vừa trúng đích.
B. Khiên đao kêu lạch xạch, khiên đao bị mọt ăn, không biết còn vững nay không còn vững. Ơ diêng người hãy múa trước đi.
C. Diêng múa một mình, diêng múa chơi đó phải không diêng?
D. Lấy cái sàn sân nhà này đem bổ đôi ra cho ta. Lấy cái cầu thang nhà này đem chẻ ra kéo lửa, hun cái nhà này cho ta xem nào.
Câu 4. Lời nói của Mtao Gru “Ơ diêng, ơ diêng! Không được đâm ta khi ta đang đi đó nghe.” Cho thấy đây là nhân vật như thế nào?
A. Cẩn trọng, kĩ tính
B. Cầu toàn, chắc chắn
C. Hèn nhát, sợ sệt
D. Thông minh, có tính toán
Câu 5. Đoạn trích trên đã sử dụng những biện pháp nghệ thuật gì?
A. So sánh, phóng đại
B. Nhân hóa, so sánh
C. Ngoa dụ, nhân hóa.
D. Phóng đại, nhân hóa
Câu 6. Anh hùng Đăm Săn được miêu tả trong đoạn trích là người
A. Trọng danh dự và hiếu chiến
B. Trọng danh dự và có sức mạnh phi thường
C. Người múa khiên giỏi và luôn ra vẻ hơn người khác
D. Khinh địch và thể hiện sức mạnh cá nhân
Câu 7. Qua đoạn trích trên, cộng đồng dân cư thể hiện ước mơ gì?
A. Sự mở mang bờ cõi bộ tộc.
B. Công cuộc chiến tranh để chiếm đất đai của bộ tộc
C. Niềm tin vào danh dự, sức mạnh và sự hiếu chiến của cộng đồng trong công cuộc đi chinh phục các bộ tộc khác
D. Niềm tin vào danh dự và sức mạnh cộng đồng trong công cuộc đi chinh phục, mở mang bờ cõi
Trả lời câu hỏi/ Thực hiện các yêu cầu:
Câu 8. Để khắc họa tư thế và hành động chiến đấu của Đăm Săn, tác giả dân gian đã sử dụng biện pháp nghệ thuật nào? Chỉ ra và phân tích.
Câu 9. Vì sao Đăm Săn sử dụng cây giáo thần – dính đầy oan hồn của mình để chiến đấu với Mtao Gru?
Câu 10. Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 6 – 8 câu) trình bày ngắn gọn suy nghĩ của em về thái độ và tình cảm của tác giả dân gian với người anh hùng Đăm Săn.
NGỮ LIỆU 2
CUỘC ĐẤU TRÍ CỦA Ô – ĐI – XÊ VÀ PÊ – NÊ – LỐP
(Trích sử thi Ô-đi-xê)
Hô-me-rơ
(Lược dẫn: Ô-đi-xê bảo mọi người đi tắm rửa, rồi mặc quần áo đẹp ca múa, cho người ngoài lầm tưởng trong nhà làm lễ cưới, dặn ai nấy giữ kín chuyện cho đến khi cha con lui về trang trại của La-éc-tơ, rồi sẽ bàn tính sau. Ô-đi-xê cũng đi tắm.)
Khi Ô-đi-xê từ phòng tắm bước ra, trông người đẹp như một vị thần. Người lại về chỗ cũ, ngồi đối diện với Pê-nê-lốp, trên chiếc ghế bành ban nãy, rồi nói với nàng:
– Nàng thật là người kì lạ! Hẳn là các thần trên núi Ô-lem-pơ đã ban cho nàng một trái tim sắt đá hơn ai hết trong đám đàn bà yếu đuối, vì một người khác chắc không bao giờ có gan ngồi xa cách chồng như thế, khi chồng đi biền biệt hai mươi năm trời, trải qua bao nỗi gian truân, nay mới được về xứ sở. Thôi, già ơi! Già hãy kê cho tôi một chiếc giường để tôi ngủ một mình, như bấy lâu nay; vì trái tim trong ngực nàng kia là sắt.
Pê-nê-lốp khôn ngoan đáp
– Ngài kì lạ thật! Không, tôi không kiêu ngạo, không khinh ngài, cũng không ngạc nhien đến rối trí đâu. Tôi biết rõ ngài như thế nào khi ngài từ giã I-tác ra đi trên một chiếc thuyền có mái chèo dài. Vậy thì, Ơ-ríc-lê! Già hãy khiêng chiếc giường chắc chắn ra khỏi gian phòng vách tường kiên cố do chính tay Ô-đi-xê xây nên, rồi lấy da cừu, chăn và vải đẹp trải lên giường.
Nàng nói vậy để thử chồng, nhưng Ô-đi-xê bỗng giật mình nói với người vợ chung thủy:
– Nàng ơi, nàng vừa nói một điều làm cho tôi chột dạ. Ai đã xê dịch giường tôi đi chỗ khác vậy? Nếu không có thần giúp đỡ thì dù là người giỏi nhất cũng khó làm được việc này. Nếu thần linh xê dịch đi thì dễ thôi, nhưng người trần dù đang sức thanh niên cũng khó lòng lay chuyển được nó. Đây là một chiếc giường kì lạ, kiến trúc của nó có điểm rất đặc biệt, do chính tay tôi làm lấy chứ chẳng phải ai. Nguyên trong sân nhà có một cây cảm lãm lá dài: nó mọc lên, khỏe, xanh tốt và to như cái cột. Tôi kẻ vạch gian phòng của vợ chồng mình quanh cây cảm lãm ấy, rồi xây lên với đá tảng đặt thật khít nhau. Tôi lợp kĩ gian phòng, rồi lắp những cánh cửa bằng gỗ liền, đóng rất chắc. Sau đó, tôi chặt hết cành là của cây đảm lãm lá dài, cố đẽo thân cây từ gốc cho vuông vắn rồi nảy đường mực, làm thành một cái chân giường, và lấy khoan khoan lỗ khắp chung quanh. Tôi bào tất cả các bộ phận đặt trên chân giường đó, lấy vàng bạc và ngà nạm vào trang trí, và cuối cùng tôi căng lên mặt giường một tấm da màu đỏ rất đẹp. Đó là điểm đặc biệt mà tôi vừa nói với nàng. Nhưng nàng ơi, tôi muốn biết cái giường ấy hiện còn ở nguyên chỗ cũ, hay đã có người chặt gốc cây cảm lãm mà dời nó đi nơi khác.
Người nói vậy, và Pê-nê-lốp bủn rủn cả chân tay, nàng thấy Ô-đi-xê tả đúng mười mươi sự thực. Nàng bèn chạy ngay lại, nước mắt chan hòa, ôm lấy cổ chồng, hôn lên trán chồng và nói:
– Ô-đi-xê! Xin chàng chớ giận thiếp, vì từ xưa nay chàng vẫn là người nổi tiếng khôn ngoan. Ôi! Thần linh đã dành cho hai ta một số phận xiết bao cay đắng vì người ghét ghen ta, không muốn cho ta được sống vui vẻ bên nhau, cùng nhau hưởng hạnh phúc của tuổi thanh xuân và cùng nhau đi đến tuổi già đầu bạc. Vậy giờ đây, xin chàng chớ giận thiếp, cũng đừng trách thiếp về nỗi gặp chàng mà thiếp không âu yếm chàng ngay. Thiếp luôn luôn lo sợ người đến đây, dùng lời đường mật đánh lừa, vì đời chẳng thiếu gì người xảo quyệt, chỉ làm điều ác. Không, nàng Ê-len ở Ác-gốt, con gái của Dớt, không bao giờ bước sang giường của người lạ nếu nàng biết trước, một ngày kia những người con anh dũng của dân A-cai lại sẽ dẫn nàng về cửa nhà và xứ sở của nàng. Chắc hẳn mối tình nhục nhã của nàng là do một vị thần xui khiến, chứ không phải chính lòng nàng đã nghĩ ra đầu tiên cái tội lỗi khốc hại ấy, nó là nguyên nhân bao nỗi đau khổ của chúng mình. Giờ đây, chàng đã đưa ra những chứng cớ rành rành, tả lại cái giường không ai biết rõ, ngoài chàng với thiếp và Ắc-tô-rít, một người thị tì của cha thiếp cho, khi thiếp về đây, và sau đó giữ cửa gian phòng vách tường kiên cố của chúng ta. Vì vậy, chàng đã thuyết phục được thiếp và thiếp phải tin chàng, tuy lòng thiếp rất đa nghi.
Nàng nói vậy, khiến Ô-đi-xê càng thêm muốn khóc. Người ôm lấy người vợ xiết bao thân yêu, người bạn đời chung thủy của mình, mà khóc dầm dề. Dịu hiền thay mặt đất, khi nó hiện lên trước mắt những người đi biển bị Pô-dê-i-đông đánh tan thuyền trong sóng cả, gió to! Họ bơi, nhưng rất ít người thoát khỏi biển khơi trắng xóa mà vào được bờ. Mình đầy bọt nước, những người sống sót mừng rỡ bước lên đất liền mong đợi. Pê-nê-lốp cũng vậy, được gặp lại chồng nàng sung sướng biết bao! Nàng nhìn chồng không chán mắt, và hai cánh tay trắng muốt của nàng cứ ôm lấy cổ chồng không nỡ buông rời.
Hai vợ chồng kể cho nhau nghe những đau khổ đã phải chịu đựng khi xa nhau. Sáng hôm sau, Ô-đi-xê về thăm cha là La-éc-tơ.
(In trong Ô-đi-xê, Phan Thị Miến dịch, Hoàng Thiếu Sơn giới thiệu, NXB Văn học, in lần thứ hai, 1983, tr.131-134)
Chú thích:
Tóm tắt văn bản: Sau khi chiến thắng ở Tơ-roa, quân Hi Lạp lần lượt kéo về xứ sở. Ô – đi – xê cùng đoàn dũng sĩ của mình vượt qua một chặng đường dài dằng dặc vô cùng nguy hiểm trên biển cả mênh mông. Đoàn chiến thuyền của Ô – đi – xê gặp bão giạt từ đảo này qua đảo khác, trôi đến bờ biển châu Phi, xứ sở của những người trồng “quả lú ” rồi lại trôi đến phía tây Địa Trung Hải. Chàng cùng các chiến hữu lạc vào đảonhững tên khổng lồ “mộtmắt’’ Pô-li-phem, lần sang mảnh đất của bọn khổng lồ “tonhư trái núi ”, vào nhà mụ phù thuỷ Xiếc-xê, xuống “thế giới của những linh hồn ”, lách qua eo biển của hai con quái vật Ca-ríp-đơ và Xki-la trấn giữ, bước lên đảo thần Mặt Trời Hê-li-ốt… Quá đói khát, các bạn đồng hành của Ô – đi – xê ăn mất đàn bò của thần nên đã bị thần Dớt gây ra một trận bão lớn để trừng phạt. Sau bao nhiêu tai họa dồn dập, bạn bè của Ô – đi – xê dần dần chết hết. Ô – đi – xê trôi giạt đến đảo của nàng tiên Ca-lip-xô xinh đẹp. Nàng tiên mê đắm Uy-lít-xơ, dâng thần đơn linh dược cho chàng trở thành bất tử để cùng chàng kết bạn trăm năm. Sau 7 năm trời bị Ca-lip-xô lưu giữ, Ô – đi – xê mới được thần linh giải thoát, chàng tiếp tục vượt biển về quê. Lênh đênh trên biển đến ngày thứ 18 thì bè của Ô – đi – xê bị thần Pô-ê-đi-dông gây bão tố đánh chìm để trả thù cho con trai là gã khổng lồ Pô- li-phem đã bị chàng chọc mù mắt. Ô – đi – xê trôi giạt vào vương quốc Phê-a-xi, được công chúa Nô-di-ca cứu giúp và nhà vua An-Bi-nơ-ôt tiếp đãi ân cần cấp cho thuyền nhẹ bay như cánh chim để chàng về quê hương. Trong bữa tiệc tiễn đưa, nghe nghệ nhân hát ngợi ca về chiến công con ngựa gỗ thành Tơ-roa, Ô – đi – xê xúc động rơi lệ. Nhà vua gạn hỏi mới biết tên thật của chàng. Nhà vua tỏ ý muốn chàng thuật lại hành trình từ khi rời khỏi Tơ-roa. Nghe chàng kể những gian truân, nguy hiểm đã qua, nhà vua và triều thần vô cùng cảm động.
Ô – đi – xê về đến I-ta-cơ quê hương sau 20 năm trời chinh chiến. Chàng giả dạng người hành khất đến gặp người chăn lợn cũ Ơmê, sau đó chàng bí mật gặp lại con trai là Tê-lê-mác. Hai cha con bàn mưu giết bọn cầu hôn. Sau 10 năm trì hoãn, cuối cùng Pê-nê-lốp vợ chàng phải ra điều kiện “ai bắn trúng một phát xuyên qua 12 vòng tròn của 12 cái liu thì nàng sẽ lấy người đó”. Ô – đi – xê vào cung điện của vợ mình trong vai hành khất. Nhũ mẫu ơ-ric-lê theo phong tục đã rửa chân cho chàng, phát hiện ra Ô – đi – xê qua vết sẹo bị lợn lòi húc ở chân. Chàng đã ra hiệu cho ơ-ric-lê giữ bí mật. Cuộc tỉ thí bắt đầu. 108 vị cầu hôn đều thất bại, chỉ có người hành khất đã bắn xuyên 12 chiếc rìu. Hai cha con Ô – đi – xê đã trừng trị bọn cầu hôn và lũ người nhà phản bội. Nhưng Pê-nê-lốp vẫn không chịu nhận chàng. Chỉ đến lúc Ô – đi – xê chỉ ra các dấu riêng của chiếc chân giường là một cái gốc cây, Pê-nê-lốp mới nhận ra chồng nàng. Cuộc dàn xếp với thân nhân của bọn cầu hôn bị giết diễn ra những ngày sau đó.
Đoạn trích: Trong phần cuối của thiên sử thi: Cuộc hội ngộ của Ô – đi – xê và người vợ Pê – nê – lốp qua cuộc đấu trí đầy thử thách, hai người đã được đoàn tụ
Lựa chọn đáp án đúng:
Câu 1. Nhân vật chính trong đoạn trích trên là:
A. Ô – đi – xê
B. Ô – đi – xê và Pê – nê – lốp
C. Pê – nê – lốp
D. Ơ – ríc – lê và Pê – nê – lốp
Câu 2. Pê – nê – lốp đã nói điều gì để kiểm chứng người chồng của mình?
A. Nàng cố ý nhờ nhũ mẫu Ơ – ríc – lê mang chiếc giường (vốn chỉ có mình Ô – đi – xê dịch chuyển được) ra bên ngoài
B. Nàng nhờ nhũ mẫu Ơ – ríc – lê mời Ô – đi – xê vào phòng và dịch chuyển chiếc giường
C. Nàng cố ý nói về bí mật chiếc giường cho Ô – đi – xê biết
D. Nàng cố ý nói về việc chiếc giường đã được người khác chuyển đi nơi khác
Câu 3. Cuộc đấu trí của Ô – đi – xê và Pê – nê – lốp được thể hiện chủ yếu qua:
A. Các hành động của hai nhân vật qua lời người kể
B. Các hành động của hai nhân vật qua lời của nhũ mẫu
C. Lời đối thoại của hai nhân vật
D. Lời người kể chuyện toàn tri chứng kiến sự việc
Câu 4. Cảm xúc của Pê – nê – lốp khi nhận ra “mười mươi là sự thực” là gì?
A. Nước mắt chan hòa, ôm lấy cổ chồng và hôn lên trán chồng.
B. Vẫn bán tính bán nghi và yêu cầu Ô – đi – xê dịch chuyển chiếc giường
C. Không tin vào mắt mình, chạy lại lay Ô – đi – xê đã xác định sự thực
D. Bủn rủn chân tay, nước mắt chan hòa, ôm lấy cổ chồng và hôn lên trán chồng.
Câu 5. Vì sao Pê – nê – lốp lại nghĩ ra thử thách về câu chuyện chiếc giường để thử Ô – đi – xê?
A. Vì đây là bí mật chỉ có nàng, Ô – đi – xê và một người tì thiếp biết được
B. Vì đây là chiếc giường do chính Ô – đi – xê đóng
C. Vì đây là bí mật giữa hai vợ chồng
D. Vì chỉ có Ô – đi – xê mới hiểu được kết cấu của chiếc giường
Câu 6. Hình tượng nhân vật Pê – nê – lốp hiện lên trong đoạn trích là người như thế nào?
A. Thủy chung, hết lòng yêu thương chồng
B. Đa nghi và cực đoan
C. Dễ thay lòng đổi dạ
D. Trái tim sắt đá và vô cảm
Câu 7. Hình tượng anh hùng sử thi Ô – đi – xê hiện lên trong đoạn trích là người như thế nào?
A. Đa nghi
B. Thông minh, nhanh trí và hết lòng yêu thương vợ
C. Hay dỗi hờn và gây khó dễ cho người khác
D. Ngờ nghệch và cả tin
Trả lời câu hỏi/ Thực hiện các yêu cầu:
Câu 8. Chỉ ra những đặc trưng của thể loại sử thi trong tác phẩm “Ô – đi – xê” và đoạn trích trên.
Câu 9. Văn bản trên tập trung thể hiện nét đặc điểm, tính cách nào của nhân vật Ô-đi-xê? Nét tính cách đó có tiêu biểu cho đặc điểm của nhân vật sử thi hay không? Vì sao?
Câu 10. Từ nội dung đoạn trích của văn bản, hãy trình bày ý kiến của em về sự thủy chung bằng đoạn văn ngắn khoảng 6 – 8 câu.
Gợi ý đáp án ngữ liệu 1+2
NGỮ LIỆU 1 | NGỮ LIỆU 2 |
1. B | 1. B |
2. A | 2. A |
3. D | 3. C |
4. C | 4. D |
5. A | 5. A |
6. B | 6. A |
7. D | 7. B |
Thanh Liêm (Biên soạn)