
Về quê ăn Tết
Thư viện THPT Nguyễn Đình Chiểu – Mỹ Tho
Giới thiệu sách: Tháng 1/2025
Chào tháng 12! Tháng cuối cùng trong năm, tháng mang theo hơi ấm yêu thương để xua tan đi cái giá lạnh của mùa đông; tháng của từng cánh én đua nhau trao lượn trên bầu trời; tháng của vạn vật sinh sôi, muôn hoa đua nhau khoe sắc thắm; tháng réo gọi những người con tha phương về lại quê nhà; tháng sum họp, vui vầy bên gia đình, và có lẽ đây là tháng mong chờ tháng đặc biệt nhất trong năm.

Để rồi dẫu đi đâu, làm gì trong dòng đời xuôi ngược, mỗi khi Tết đến xuân về, trong trái tim những người con xa quê vẫn vang lên khúc nhạc mong chờ khoảnh khắc đoàn viên về với hơi ấm tình thân vì đây là điều ấm áp thiêng liêng nhất của Tết.
Cùng chung dòng cảm xúc đó, Thư viện trường THPT Nguyễn Đình Chiểu trân trọng giới thiệu quyển sách “Về quê ăn tết” của tác giả Dương Hoàng Lộc, được Nxb Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh ấn hành năm 2021.
Trải dài trên 150 trang sách là 19 bài viết miêu tả về cảnh vật, con người, cảnh sinh hoạt Tết của người dân Nam bộ được tác giả phác họa hết sức sinh động, chân thật, gần gũi; sẽ làm bạn đọc nhất là người xa quê không khỏi bồi hồi, xúc động khi nhớ về quê hương xứ sở. Một miền quê yên bình, mộc mạc, con người hiền hoà, nhân hậu, thấm đẫm nghĩa tình.
Đọc “Về quê ăn tết”, bạn đọc sẽ được du xuân khắp miền Đông và Tây Nam bộ, thỏa mắt ngắm nhìn bức tranh ngày Tết căng tràn nhựa sống, tươi tắn vào mỗi độ xuân về như: ở miệt vườn Lái Thiêu vốn nổi tiếng trước giờ là xứ sở của những vườn cây sầu riêng, măng cụt và dâu sum suê, trĩu quả; còn ở miệt vườn Cái Mơn gắn với nghề trồng hoa kiểng, xuất bán đi cả nước hay mảnh đất Ba Tri tỉnh Bến Tre nơi nổi tiếng là “xứ sở Dừa Việt Nam” hoặc đi đến tận cửa sông Ông Đốc của vùng đất Mũi Cà Mau – nơi cuối trời cực Nam của Tổ quốc với khung cảnh non nước hữu tình,…
Ngoài ra, bạn đọc sẽ được đắm chìm trong phong vị ẩm thực ngày Tết vô cùng đa dạng và phong phú: nào là mứt Tết (mứt gừng, mứt dừa, mứt chuối, mứt me, mứt mãng cầu,…) nào là bánh tét (bánh tét ngọt, bánh tét mặn, bánh tét chay)- món ăn “linh hồn của Tết”; thịt kho tàu hay còn gọi là thịt kho rệu, thịt kho trứng món ăn tượng trưng cho mọi điều vuông tròn, trọn vẹn; khổ qua dồn thịt món ăn tiễn biệt những điều khổ đau, muộn phiền trong năm cũ, mong chờ những điều may mắn, tốt đẹp hơn ở năm mới. Bạn đọc sẽ cảm nhận rõ hơn qua các bài viết: Món ăn ngày Tết ở Nam bộ, Bánh tét ngày Tết, Hương vị mứt Tết miền Nam, Mứt gừng Tết,… Mỗi món ăn ngày Tết đều mang đặc trưng ý nghĩa riêng nhưng tất cả đều thể hiện lòng thành kính mà con cháu muốn tri ân, dâng lên ông bà, tổ tiên là sự mong ước an lành, sung túc, đầy đủ và ấm no trong năm mới.
Đặc biệt, đọc “Về quê ăn Tết”, bạn đọc sẽ được tìm hiểu, có cái nhìn sâu sắc hơn về những phong tục tập quán ngày Tết như: tục chạp mả quê, tục đưa ông Táo về trời vào ngày 23 tháng Chạp, chưng hoa ngày Tết (hoa mai, hoa vạn thọ), cúng Tất niên, chưng mâm ngũ quả, cúng giao thừa, xông đất, hành hương đầu năm, hái lộc đầu xuân, ăn chay ngày Tết, chúc Tết và mừng tuổi ông bà, cha mẹ,… được tác giả chia sẻ chi tiết qua các bài viết như: Nhớ tục chạp mả quê, Tục chưng mai ngày Tết, Hoa vạn thọ những miền ký ức, Thưởng thức món chay ngày Tết, Hành hương đất Thủ,… Có thể nói những phong tục Tết cổ truyền của người Việt đã được lưu truyền từ xa xưa cho đến tận bây giờ, đã ăn sâu bám rễ vào trong tim mỗi người đã trở thành một thói quen, nếp sống, và là truyền thống, nét đẹp trong văn hóa ngày Tết. Các thế hệ sau cần trân trọng, gìn giữ và phát huy; bởi đó là linh hồn là bản sắc của Dân tộc ta.
Kỳ thực, Tết quê đơn giản lắm chỉ là phút giây gia đình quây quần bên nhau ngồi bên bếp lửa hồng để canh nồi bánh tét đêm 30, rôm rả kể cho nhau nghe câu chuyện sau một năm dài xa cách, cùng nhấp ly trà, nhâm nhi chút bánh mứt, trao nhau những phong bao lì xì, những lời chúc tốt đẹp đầu năm. Tết quê chỉ vậy thôi nhưng ai đi xa rồi cũng nhớ cũng thương. Không bao giờ quên được! Và cũng như tác giả chia sẻ về cảnh Tết quê: “Ngày Tết, người ta hay ngồi tâm tình bên nhau sau một năm dài bận rộn, vất vả. Trên bàn tiếp khách giữa nhà, họ cùng ăn một ít bánh mứt, nhấp chút trà nóng và ngắm hoa mai được cắm ở bình hay trên cây ở trước sân. Hoa mai tỏa ra một mùi hương nhè nhẹ, thơm và thanh khiết vô cùng, khiến tâm hồn con người dịu bớt hẳn những lo toan, trăn trở. Hương mai quyện cùng mùi thơm lừng của bánh mứt, hòa lẫn mùi của nhang trầm tỏa ra, thậm chí kết cùng mùi ngai ngái của hoa vạn thọ tạo nên thứ mùi đặc biệt, đó là mùi Tết thật khó lẫn vào đâu được!”.
Dưới ngòi bút mộc mạc, bình dị nhưng không kém phần sinh động, “Về quê ăn Tết” qua lăng kính của tác giả như những thước phim quay chậm giúp ta cảm nhận sâu sắc về hương vị Tết quê; tìm về những mảnh ghép kí ức, những kỷ niệm đáng nhớ trong đời; đồng thời thôi thúc chúng ta biết trân quý, giữ gìn nét đẹp văn hóa của Tết quê, phong tục tập quán Tết cổ truyền của Dân tộc trong thời kỳ hội nhập với thế giới hiện nay./.
Trương Thị Ngọc Hoa (sưu tầm)
Nguồn: https://portal.vinhlong.gov.vn/portal/wpthuvientinh/thuvientinh/page/xemtin.cpx?item=63c8f7bae324da48c1b33d5a